I. Phong thủy là gì ?

Từ cổ xưa, con người đã có những khát vọng lớn về một đời sống gia đình trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý, con cháu học hành thành đạt, quan lộ hanh thông, bán buôn may mắn, gia thế phát triển vững bền, tông đường luôn người nối dõi. Khát vọng đó hoàn toàn chính đáng, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Tuy nhiên, trời đất thì bao la, vận mệnh biến chuyển khôn lường, sức mạnh nào có thể thúc đẩy cho khát khao, mơ ước của con người trở thành hiện thực?

Khi học thuyết “Âm dương, ngũ hành” của người Trung Hoa xuất hiện, cùng với sự lên ngôi của Hà đồ, Lạc thư, Kinh dịch, là sự bùng nổ của các khoa lý số, Thiên nhân cảm ứng, Kỳ môn độn giáp, Tam giáo cửu lưu, Tam phần ngũ điển, Tướng pháp tử vi, Xem tướng đoán người, Luyện đan trường sinh… Chiêm tinh, phong thủy cùng ra đời trong hoàn cảnh đó. Luận bàn về những thuyết này, đã tốn không ít giấy mực của các học giả, các nhà nghiên cứu Đông – Tây từ cổ xưa tới nay và chưa có một lời giải đáp nào thực sự thỏa đáng.
Trong khuôn khổ bài viết này, Gia Huy Decor sẽ đề cập đến một khái niệm có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa truyền dẫn đến nhiều thành phần cộng đồng dân cư, đó là Thuyết phong thủy.

Thuyết phong thủy lấy Âm dương ngũ hành làm căn cứ viện dẫn, chủ đạo; lấy khí vận trong luân chuyển vũ trụ quanh ta để tạo sự tương tác của con người với nhiều yếu tố tự nhiên. Trước đây, khi kiến thức khoa học còn hạn hẹp, con người luôn nhận thức về thiên nhiên, vũ trụ mang tính huyền bí, có quyền năng tối thượng, quyết định vận mệnh của mỗi cá thể, mỗi gia đình. Lâu dần, niềm tin ấy trở thành các chuẩn mực, các quy ước mặc nhận, để các thầy phong thủy biến nó thành các chỉ dẫn, xếp đặt cho đời sống con người.

Âm – Dương là hai mặt tiến hóa vũ trụ, của dịch chuyển xã hội, đời sống nhân sinh để không ngừng tồn tại và phát triển. Hành là khí vận hành liên tục giữa trời đất, bao gồm ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Ngũ hành có tương sinh, tương khắc:

Tương sinh (–>): Kim –> Thủy –> Mộc –> Hỏa –> Thổ –> Kim.

Tương khắc (>< Mộc, Mộc >< Thổ, Thổ >< Thủy, Thủy >< Hỏa, Hỏa >< Kim.

Phong thủy lấy tương sinh làm thúc đẩy phát triển, yếu tố tạo nên sự hanh thông, thuận lợi, bền bỉ, may mắn. Phong thủy lấy tương khắc là yếu tố cần được khắc phục hoặc xóa bỏ.

Theo luận điểm triết học phương Đông, cấu trúc vũ trụ (mà con người nhận thức được) bao gồm 3 thành tố: Thiên – Địa – Nhân.

Trong đó, Thiên: Nhật – Nguyệt – Tinh; Địa: Thủy – Hỏa – Phong; Nhân: Tinh – Khí – Thần.

 

 

Qua nhận thức trên, ta có thể nhận thấy mối tương quan gắn bó giữa các thành tố trong cấu trúc vũ trụ. Các thành tố này đều có chung môi trường với đời sống con người (Nhân) và tác động trực tiếp đến nó.

Có thể nói, phong thủy là mối tương quan giữa con người với các thực thể trong thiên nhiên. Người nắm bắt được mối quan hệ này và quá trình vận hành của nó trở thành “thầy phong thủy”. Họ chỉ cho ta về nhận biết phương hướng, bố trí nhà ở, sân vườn, cổng ngõ, xếp đặt, bài trí nội thất trong nhà…

Trong mỗi chúng ta, ít nhiều đều tiếp cận, hiểu biết chút ít về Phật pháp. Đức Phật có dạy rằng: “Tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe và trí tuệ”. Sang – hèn, giàu – nghèo, thành – bại… của một số phận còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, cả chủ quan lẫn khách quan. Bỏ qua yếu tố mê tín, phong thủy đóng một vai trò quan trọng nhất định nào đó trong sức khỏe, đời sống của con người, thông qua sự vận hành của Thiên khí, Địa khí và Nhân khí.

Từ nhận thức trên, những ai thường “luận” chữ Hán Nôm gọi phong thủy là gió và nước là một sai lầm nghiêm trọng, làm sai lệch hiểu biết của mọi người và hoàn toàn thiếu tri thức khoa học mà phong thủy vốn có.

II. Ý nghĩa của phong thủy với đời sống con người

Nói đến phong thủy là nói đến hình thái địa lý (hay còn gọi là phong thổ), các cuộc đất, sơn hướng, các vật thể xung quanh, các cấu trúc, xếp đặt của thiên nhiên của con người, cách bài trí và tổ chức không gian sống. Từ lâu, ngôi nhà trở thành nơi ăn, ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc của con người. Tuy nhiên, do điều kiện sống, hoàn cảnh tạo nghiệp, cơ hội thăng tiến và nhiều lý do khác đã tạo nên sự khác biệt về các cuộc đất, các ngõ, nhà, các tiện nghi và phong cách xếp đặt, bài trí.

Tựu trung, có những đối tượng sau đây tạo nên sự cách biệt về phương thức chọn lựa hoàn cảnh sống sao cho thích hợp với điều kiện, khả năng của mình.

– Những người có thu nhập kinh tế cao, tài sản lớn, năng lực tích lũy thặng dư dồi dào… mà ta thường dùng từ “đại gia” để xác nhận vị trí xã hội của họ.

– Những người có điều kiện tích lũy khá cao do tổ chức sản xuất, các dịch vụ cao cấp, buôn bán lớn, kinh doanh mở rộng và đa dạng…

– Những người có thu nhập trung bình.

– Những người có thu nhập thấp.

Cũng do sự khác biệt này mà các hình thái ở có nhiều tầm mức, phong cách, điều kiện khác nhau, dinh thự, lâu đài, nhà vườn, nhà ống hoặc chung cư cao cấp hay bình dân. Tuy nhiên, tất cả các mô hình ở đó đều có nhu cầu chung: Phong thủy. Các đại gia lo tìm những cuộc đất hội tụ các yếu tố thiên nhiên đáp ứng những tiêu chí bài bản của phong thủy như: Sơn hướng, huyệt tàng long, tụ khí (xem Tả ao Địa lý toàn thư), hầu như xây dựng đế chế cho riêng mình. Người có thu nhập cao thường có thêm biệt thự, nhà vườn, đất trang trại ngoài nhà ở thành phố để làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn, tiếp khách thân quen hoặc đối tác.

Tất cả các cuộc đất này cũng được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để tạo sự nghiệp vững bền. Con cháu thường được chu cấp các căn hộ cao cấp tại các khu chung cư đô thị khi tu nghiệp hoặc bước chuẩn bị cho hoạt động tạo dựng. Những đối tượng khác có thể mua nhà ở một mặt (hình ống) tại các đường phố, nhà ở ngoại ô, chung cư phổ biến…

Dù ở hoàn cảnh nào, điều kiện nào, hầu hết mọi nhà đều có chung nhu cầu xếp đặt phong thủy. Vì vậy, các thầy phong thủy có cơ hội thi triển năng lực nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, cũng vì điều này mà không ít kẻ lạm dụng niềm tin của mọi người để trục lợi trong trào lưu phong thủy với mọi nhà. Thậm chí, một số hàng hóa, đồ dùng, vật phẩm được gắn mác phong thủy. Nếu các vật dụng này có sức mạnh về phong thủy thực sự, thì ắt hẳn các nhà sản xuất, chế tác ra nó sẽ là nhà “đại gia” cỡ lớn.

Phần trên đã nói đến những “đại gia”, những nhà kinh doanh, những người có thu nhập cao, đã sử dụng nhiều phương thức ăn ở, nghỉ ngơi… và dĩ nhiên, họ có điều kiện để mời các thầy phong thủy có tên tuổi tạo tác những nơi ấy cho mình trong các định hướng lớn nhỏ. Những người có thu nhập hạn chế, cũng tìm thầy phán xét cho họ trong phạm vi nhỏ hơn. Những người hoàn toàn không có điều kiện, nỗi lo phong thủy vẫn canh cánh bên lòng. Vì ai cũng có ước vọng vươn lên vị trí cao nhất có thể trong cuộc sống hiện hữu.

Vậy làm thế nào để giải tỏa những bức xúc tinh thần này?

Trước hết, cần nhận thức được bản chất, xuất xứ, tác động của phong thủy với cuộc sống của chúng ta. Phải suy xét nó theo một tư duy thực tiễn, không mê tín, nhưng cũng không phủ nhận những giá trị mà nó mang lại cho con người hàng nghìn năm qua.

III. Hiểu biết và ứng dụng phong thủy trong cuộc sống

Những ai đã từng nghiên cứu văn hóa thần bí Trung Hoa, hẳn biết rõ con người sinh ra đều chịu sự ràng buộc tất yếu của “vận, mệnh”. Vận mệnh con người lại được lý giải thông qua nhiều thông điệp vừa có tính trải nghiệm, vừa mang màu sắc huyền bí, khó lý giải thấu đáo. Tham gia vào đề tài này có hàng trăm pho sách cổ kim, Đông Tây. Mỗi pho sách đều có những giá trị riêng về mặt nghiên cứu hoặc tham chiếu. Có thể kể ra một vài cuốn đã từng xuất bản ở Việt Nam như: “Trạch vận tân án” của Thẩm Trúc Nhung; “Bí ẩn của bát quái” của Vương Ngọc Đức, Diêu Vĩ Quân, Trịnh Văn Tường; “Trạch cát thần bí” của Lưu Đạo Siêu, Chu Vĩnh Ích; “Đàm thiên, thuyết Địa, luận Nhân” của Ngô Bạch; “Chu dịch và dự đoán học” của Thiệu Vĩ Hoa; “Dự đoán theo tứ trụ” của Thiệu Vĩ Hoa; “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” của Bạch Huyết; “Phong thổ học” của Mộng Bình Sơn…

Như vậy đủ biết, phong thủy chỉ đóng một vai trò nhất định nào đó trong vận mệnh con người. Ở đây, người viết muốn nói đến loại phong thủy có bài bản, học vấn và sự hiểu biết sâu rộng của các thầy. Tuy nhiên, ai cũng cũng hiểu, không phải bao giờ làm việc gì cũng nhất thiết phải có sự chỉ bảo của các thầy phong thủy, bởi nhiều người không có điều kiện kinh tế, thời gian hay những lý do nào đó ngoài mong muốn. Việc mua bán các ngôi nhà, thửa đất diễn ra thường xuyên do nhiều nguyên nhân, nhiều cảnh ngộ, khó theo ý muốn bản thân về trạch cát, phương hướng, địa hình địa mạo, hay cảnh quan thiên nhiên, mà ta thường an ủi là do sự xếp đặt của số phận. Cảnh ngộ này xảy ra với hầu hết chúng ta trong đời sống thường nhật. Đặc biệt, với những người mua nhà ống đô thị hay các chung cư, cao thấp, phương hướng, điều kiện ăn ở đã được quy hoạch định sẵn.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng, các kiến trúc sư, các nhà tư vấn thiết kế đều được trang bị kiến thức, sự hiểu biết nhất định về cách tổ chức các không gian sử dụng thích ứng với đời sống, sinh hoạt, làm việc của con người. Đặc biệt, việc khai thác triệt để các yếu tố thiên nhiên như gió, ánh sáng, tầm nhìn cùng các thói quen, tập quán sinh hoạt của con người.

 

 

Khi xây dựng các khu đô thị hay nhà ở cá nhân, việc thẩm định đất cát, mồ mả hầu hết đều chu đáo, có trách nhiệm để có “địa khí” lành mạnh, ổn định. Qua đó, có thể thấy, khi quy hoạch định hướng, thiết kế không gian kiến trúc vĩ mô hoặc vi mô, các nhà tư vấn, các kiến trúc sư đã ý thức công việc của mình bằng sự sắp xếp hợp lý, khoa học, phù hợp với cảnh quan, môi trường, sinh hoạt tập quán của con người trên nền tảng đất cát đã được thẩm định chu đáo. Phải chăng, đó chính là yếu tố hòa hợp, gắn bó tương hỗ của Thiên – Địa – Nhân như phong thủy từng đề cập? Sự tương đồng, hài hòa này mang đến nhiều lợi ích cho con người, trong đó có sức khỏe, sự ổn định phát triển (hay tài lộc) với nhiều thúc đẩy may mắn (hanh thông) mà thuật ngữ ngày nay thường gọi là chất lượng sống.

Tất cả mọi sự xếp đặt trong gia đình như không gian phòng khách, phòng ngủ, nơi thờ tự, bếp, vệ sinh, các phòng chức năng khác như phòng con cái, phòng làm việc, phòng thể thao (nếu có)… đều tuân theo tính độc lập, không gây trở ngại lẫn nhau, tính giao thông hợp lý, tôn trọng tính năng hoạt động hay chức năng sử dụng đều góp phần làm cho nền tảng phong thủy ổn định với xu hướng phát triển.

Nếu sự xếp đặt không hợp lý, thiếu khoa học, tất nhiên đều gây nên sự bức xúc, bực bội, bất ổn về tinh thần dẫn đến tình cảm trong gia đình bất lợi, buồn phiền, thiếu đồng thuận, phong thủy có vấn đề. Do vậy, phải tìm cách điều chỉnh hoặc loại bỏ, sửa chữa. Ví dụ như khi xây dựng do quá coi trọng việc này, việc khác mà ta xếp đặt trước bếp (đối diện) là phòng vệ sinh, cửa mở ra chỗ nấu nướng chẳng hạn.

Rõ ràng, sơ đẳng cũng biết bếp (hỏa), phòng vệ sinh (thủy) lại đối diện thì sự tương khắc là tất yếu và hậu quả thì cái này hoàn toàn cản trở cái kia gây ra xung lực xấu cho người sử dụng tùy mức độ tương khắc. Rồi bàn thờ không đúng vị trí (biểu hiện trang trọng, thiêng liêng), giường ngủ ở vị trí thiếu “an toàn” (dễ bị quấy nhiễu), thiếu ánh sáng, thiếu không khí… làm suy giảm thể lực, mệt mỏi tinh thần.

Tóm lại, để cải thiện điều kiện phong thủy, nhà ở gia đình phải có ý thức về tổ chức sắp xếp, bố cục sao cho có được tiếng nói chung với thiên nhiên (thiên khí), coi trọng gốc gác sinh tồn (địa khí), cửa đi, cửa sổ thông thoáng, hợp lý quy tắc sinh hoạt, dưỡng sinh… Sự đồng thuận đó chắc chắn làm cho sức khỏe con người tốt hơn, tinh thần phấn chấn, thoải mái hơn và dĩ nhiên, chất lượng sống của con người trong môi trường đó được nâng cao hơn.

Chúng ta nhất thiết coi trọng phong thủy với những giá trị tinh thần nhân văn và tri thức khoa học. Tuy nhiên, cũng không thần thánh hóa, mê tín dị đoan, không biến nó thành cứu cánh tinh thần hay cưỡng bức về đời sống. Bởi một lẽ đơn giản, phong thủy là sự hòa thuận của chính chúng ta với thiên nhiên vũ trụ, là tâm sáng của chúng ta khi nhìn nhận con người, sự vật của tạo hóa, là biểu hiện trí tuệ, coi trọng những giá trị đích thực của văn hóa truyền thống, nền tảng của văn minh loài người.